Bệnh lậu là gì? Nguồn lây nhiễm và điều trị như thế nào?

Mục lục bài viết

1. Bệnh Lậu là gì? 

1.1. Định nghĩa

Bệnh lậu là một trong những bệnh lây qua con đường tình dục do song cầu khuẩn gram âm Neisseria gonorrhoeae gây ra. Bệnh lậu chiếm tỷ lệ khá cao ở Việt Nam nói chung và cả thế giới nói riêng. Theo thống kê tại Việt Nam của Viện Da liễu Quốc gia năm 2003 bệnh lậu chiếm 10% trong các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Thường gặp ở người trẻ tuổi, trong giai đoạn hoạt động tình dục.

Bệnh dễ thấy ở nam hơn ở nữ, tỷ lệ nam/nữ là 1,5/1.Lậu thường gặp ở độ tuổi phụ nữ 15-19 tuổi và nam giới 20-24 tuổi. Ngoài các biểu hiện chủ yếu trên bộ phận sinh dục thường thấy là niệu đạo trước ở nam và âm đạo của nữ thì bệnh có thể lan truyền khắp nơi như: họng, hậu môn…  các triệu chứng nhiễm trùng thường gặp ở nam hơn ở nữ. 

Bệnh lậu là gì?

Bệnh lậu là gì?

1.2. Đường truyền

  • Hơn 90% bệnh lậu lây qua đường tình dục
  • Khoảng 10% lây qua những con đường khác như:
  • Trẻ sơ sinh qua âm đạo của mẹ bị lậu
  • Tiếp xúc vào quần áo của người bị nhiễm lậu nhiều lần
  • Tiếp xúc qua vết thương hở
Đường truyền bệnh lậu

Đường truyền bệnh lậu

1.3. Nguồn lây nhiễm

  • Ổ chứa: Người là vật chủ duy nhất của bệnh lậu. Lậu cầu khu trú trong bộ phận sinh dục-tiết niệu của người bệnh và lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục. Nam giới lậu khư trú chủ yếu ở niệu đạo. Ở nữ giới lậu có ở cổ tử cung, niệu đạo, các tuyến Skene, Bartholin. Cả hai giới, lậu cầu có thể khư trú ở trực tràng, họng.
  • Thời gian ủ bệnh của lậu: Thông thường bệnh lậu có thời gian ủ bệnh ngắn từ 2 – 5 ngày, dao động trong khoảng 1 – 14 ngày.
  • Thời kỳ lây truyền: Bệnh lậu có thể lây khi nhiều người bệnh đang trong thời gian ủ bệnh khi chưa có triệu chứng và rất nhiều trường hợp bệnh nhân mắc bệnh lậu nhưng không có triệu chứng bệnh, đó chính là nguồn lây nhiễm quan trọng trong cộng đồng. 

2. Triệu chứng của bệnh lậu

Triệu chứng bệnh lậu ở nam và nữ

Triệu chứng bệnh lậu ở nam và nữ

2.1. Bệnh lậu ở nam giới

  • Cảm thấy hơi ngứa, nhồn nhột, vài giờ sau tiết ra từ chất trong chuyển → đục →  mủ màu vàng hơi trắng, dễ ra khi vuốt dọc đường tiểu.
  • 80% các trường hợp cảm thấy niêm mạc ống tiểu sưng to, tiểu đau rát, khiến bệnh nhân không dám tiểu nhiều dẫn đến tình trạng tiểu lắt nhắt, nhiều lần trong ngày.
  • Lỗ tiểu sưng đỏ có mủ màu vàng đặc hay trắng đục giống như kem.
  • Hạch thường không bị ảnh hưởng.
  • Dạng nặng có thể chuyển sang biến chứng viêm bàng quang, viêm tinh hoàn, tiểu máu.

Các biến chứng thường gặp:

  • Viêm trực tràng: triệu chứng thường nhẹ như ngứa và tiết dịch trực tràng.
  • Không đau → nặng : xuất tiết dịch nhầy mủ có máu, đau khi đi cầu, buốt mót vùng hậu môn và táo bón, 40% nhóm MSM nhiễm lậu chỉ có biểu hiện viêm trực tràng.
  • Viêm hầu họng (10%) thường không có triệu chứng. Triệu chứng thay đổi từ hạch cổ to, họng đỏ tới loét rộng và tạo màng giả.
  • Ngoài ra còn có các dạng biến chứng nặng như: áp xe quanh niệu đạo, viêm tiền liệt tuyến, viêm túi tinh, viêm mào tinh hoàn, vô sinh.

2.2. Bệnh lậu ở nữ giới

  • 50% các ca nhiễm không có triệu chứng lậu trên nữ
  • Khi khám thấy lỗ tiểu sưng đỏ, đau rát, tiểu buốt, tiểu máu, huyết trắng có màu vàng đục
  • Những biểu hiện ở niệu đạo thường nghèo nàn, không xuất hiện nhiều nhưng ở tử cung, buồng trứng thường xuất hiện phong phú và nặng nề như: viêm nội mạc tử cung, viêm tắc tai vòi, viêm vùng chậu và vô sinh.
  • Viêm cổ tử cung: tiết dịch cổ tử cung, dễ chảy máu hay dịch vàng hơi xanh.
  • Viêm niệu đạo: ít triệu chứng, xuất tiết dịch nhầy mủ, tiểu rát buốt.
  • Viêm vùng chậu: chiếm 10-40% của nhiễm lậu cầu không biến chứng ở phụ nữ, đặc trưng bởi sốt, đau vùng bụng dưới, đau lưng, nôn ói, chảy máu âm đạo, giao hợp đau, đau khi thăm khám.
  • 10-20% có nhiễm trùng hầu họng, >90% trường hợp không có triệu chứng hoặc nếu có bao gồm viêm họng xuất tiết hay viêm amidan.
  • Viêm trực tràng  (5%): xuất tiết dịch nhầy mủ, đau khi đi cầu và cảm giác mót buốt.
  • Thai kỳ không làm thay đổi biểu hiện nhiễm lậu cầu. Tuy nhiên viêm vùng chậu ít gặp hơn trong tam cá nguyệt 2-3 và tỉ lệ nhiễm viêm hầu họng do lậu hơi tăng cao có lẽ do thay đổi hành vi quan hệ tình dục.
  • Biến chứng nặng hơn ở nữ: Áp xe, viêm cổ tử cung, viêm niêm mạc tử cung, viêm phần phụ, áp xe phần phụ 2 bên (gồm vòi trứng, buồng trứng), vô sinh

2.3. Bệnh lậu ở trẻ em

  • Đường lây truyền do tiếp xúc qua quần áo có nhiễm lậu hay do tiếp xúc tình dục.
  • Triệu chứng của những bé gái là viêm âm hộ – âm đạo với dịch tiết ở âm đạo. Dịch thường có màu vàng đục giống mủ. Âm hộ thường phù nề
  • Ở trẻ sơ sinh, viêm kết mắt do lậu do tiếp xúc với dịch âm đạo của mẹ bị nhiễm lậu cầu.

3. Hướng bảo vệ, phòng tránh bệnh lậu

  • Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.
  • Sử dụng các dung dịch vệ sinh bộ phận sinh dục cả nam lẫn nữ.
  • Khi cảm thấy cơ thể có các triệu chứng bất thường nên đến các cơ sở y tế để được khám và tư vấn.
  • Ngoài ra, nên khám tổng quát về các bệnh STIs từ 3-6 tháng/ lần, để tầm soát được các bệnh lây truyền qua đường tình dục. 

4. Hướng điều trị bệnh lậu

Tùy theo từng tình trạng của bệnh và tình trạng cơ địa, phát đồ thông thường khi điều trị lậu của các bác sĩ là Ceftriaxone 250mg được tiêm ở bắp và kèm theo các loại thuốc khác theo toa.

Chúng ta nên dùng BCS để bảo vệ bản thân của mình trong khi quan hệ tình dục cho chúng ta nói chung và cho đối phương nói riêng. Hơn hết, chúng ta nên tự vận động bản thân để chúng ta đi khám sức khỏe định kỳ để tầm soát các bệnh STIs, bảo vệ bản thân ra khỏi tất cả các bệnh lây qua con đường tình dục.

Nguồn: Alocare

Bạn nên xem thêm >>> Xét nghiệm HIV sau 14 ngày có hành vi nguy cơ

Bạn nên xem thêm >>> Đăng ký PrEP miễn phí

Bạn nên xem thêm >>> HPV và 3 điều bạn cần biết

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Shopping cart
Start typing to see posts you are looking for.